Xây dựng hình ảnh văn hóa học đường

Thứ tư - 25/03/2015 10:35
Trong môi trường sư phạm, các cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đều phải là những con người có văn hoá thanh lịch, văn minh với phong cách làm việc và giao tiếp ứng xử được coi là mẫu mực cho xã hội. Để xây dựng và gìn giữ được những nét đẹp văn hóa, có rất nhiều điều cần được nhà trường chú ý.

Nói đến văn hóa học đường là nói đến một phạm trù rất rộng, trong đó có ba vấn đề lớn cần quan tâm nhất là: khung cảnh sư phạm, môi trường sư phạm và ứng xử học đường.

Khung cảnh sư phạm trước hết đòi hỏi cảnh quan của trường học phải khang trang, xây dựng kiên cố, nằm ở vị trí không bị chèn ép  bởi các khối kiến trúc liền kề. Làm sao để trường ra trường,  lớp ra lớp, đạt chuẩn quốc gia về diện tích, ánh sáng, bàn ghế, công cụ hỗ trợ, tài liệu giảng dạy, đồ dùng dạy học, các phòng làm việc, hội họp, thư viện, sân chơi, cây xanh... Bàn ghế không đúng kích cỡ, ánh sáng thiếu sẽ ảnh hưởng đến thể chất học sinhm, gây cong vẹo cột sống, cận thị...

Không đủ tài liệu giảng dạy, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa sẽ gây khó khăn cho cả thầy và trò trong việc truyền đạt và tiếp thu ý kiến thức. Thư viện nhà trường cần được quan tâm bởi đây là cả kho tàng kiến thức của nhân loại, tích tụ qua bao đời. Học thầy, học bạn và còn phải học trong sách. Lê nin từng nói: " Không có sách, không có tri thức". Văn hóa đọc với nhà trường vẫn là một nhu cầu cần khuyến khích. Tránh việc lập ra cho có thư viện mà không có thủ thư, không có người tuyên truyền giới thiệu sách báo cho người đọc.

Môi trường sư phạm bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Nhà trường phải là nơi đạt điểm cao về xanh - sạch - đẹp. Sân chơi luôn có bóng cây che mát, có những khoảng vườn sinh vật cảnh, các loại hoa vừa phục vụ học tập, vui chơi vừa tạo không khí trong lành. Cổng trường là bộ mặt không thể để lem nhem. Biển đề tên trường cần làm nghiêm túc, chữ chân phương, dễ đọc không để bong mất chữ, mất dấu. Lối ra vào thoáng đãng, không để các hàng quà lấn chiếm. Chỗ để xe, điểm cha mẹ đến đón con cần phải được hoạch định quy củ không làm ảnh hưởng đến trật tự giao thông đô thị. Tránh gần chợ, bệnh viện, các nhà máy có tiếng ồn lớn, tránh mùi hóa chất làm khói lan tỏa vào làm ô nhiễm không khí.

Về môi trường xã hội cần giáo dục nhắc nhở cho học sinh rõ tác hại của các tệ nạn xã hội. Vừa tuyên truyền bằng nhiều phương thức như nói chuyện, tranh ảnh, sách báo, văn nghệ, vừa đưa ra một vài điển hình ở trường hoặc trong khu vực để mắt các em thấy, tai các em nghe những tác hại hủy hoại  nhân phẩm, hủy hoại con người, để xa lánh và biết cách phòng tránh tích cực, đẩy lùi các tệ nạn ấy ra khỏi nhà trường.

Ứng xử học đường nói chung là phong cách giao tiếp, ứng xử trong trường học để "thầy ra thầy, trò ra trò". Người làm thầy phải làm gương về lối sống cho học trò noi theo. Mẫu mực về cách ăn mặc, đi đứng, nói năng... Mẫu mực về đạo đức, lòng nhân ái bao dung, yêu thương con trẻ, công bằng, tận tụy với nghề. Những người thầy giáo, cô giáo nói năng, sinh hoạt kém văn hóa làm sao có thể dạy trò "nói lời hay, làm việc tốt", làm sao đĩnh đạc trên bục giảng. Với học trò, ngoài việc giao tiếp ứng xử có văn hóa, cần phải học tập thái độ học tập đúng đắn, cần mẫn, trung thực. Nghe thầy cô giảng bài chưa hiểu rõ, phải trao đổi trong tổ, trong nhóm để sáng tỏ thêm những điều ta chưa vỡ nghĩa như câu ca xưa đã dạy "học thầy không tày học bạn". Phải biết xấu hổ khi nói lời thô tục, thô bạo với bạn, hỗn láo với thầy cô, không nghiêm túc trong thi cử, gian lận trong hồ sơ, giấy tờ và bằng cấp...

Xây dựng văn hóa học đường còn cần phải có sự đóng góp của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cầu nối giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục học sinh, chăm lo đến đời sống nhà giáo khi gặp khó khăn, góp sức cho việc xây dựng nhà trường khi cần thiết, tổ chức cho các em đi tham quan các bảo tàng, di tích, danh thắng ở địa phương và các sinh hoạt xã hội khác.. giúp đỡ học sinh nghèo thêm điều kiện để tiếp tục học tập và trao tặng phần thưởng cho các em học giỏi, viết chữ đẹp, thi đỗ cao...

Xây dựng văn hóa học đường tốt là góp phần đắc lực vào sự nghiệp trồng người mà Bác Hồ luôn nhắc nhở chúng ta.

Tác giả: Giang Phạm

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Giới thiệu

Quan điểm giáo dục

Tại trường Mầm non Biên Giang, chúng tôi đã sử dụng phương pháp: Lấy trẻ làm trung tâm và nuôi dưỡng niềm yêu thích học tập trong mỗi học sinh Trẻ là những người học tích cực và học qua các con đường đa dạng khác nhau. Ở lứa tuổi này, sự tiếp thu của trẻ diễn ra thông qua quá...

Hinh 1
Hinh 2
Hinh 3
Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm nhất điều gì khi con đến trường?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây